Hợp đồng lao động theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP: Quy định và áp dụng

Hợp đồng lao động theo Nghị định 111 là một trong những nội dung quan trọng trong lĩnh vực quản lý lao động tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định 111/2022/NĐ-CP ban hành nhằm quy định chi tiết về việc ký kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động trong các đơn vị công lập, góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhân sự.

Nghị định 111/2022/NĐ-CP về lao động tại các đơn vị công lập

1. Khái niệm và phạm vi áp dụng của hợp đồng lao động theo Nghị định 111

Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu tổng quan về đối tượng và phạm vi của hợp động lao động Nghị định 111/2022/NĐ-CP.

1.1 Hiểu về hợp đồng lao động theo Nghị định 111

Hợp đồng lao động Nghị định 111 là văn bản thỏa thuận giữa người lao động và cơ quan, đơn vị sử dụng lao động trong khu vực công lập.

Nghị định này quy định rõ về các loại hợp đồng lao động, hình thức ký kết và quyền lợi của người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan hành chính.

1.2 Đối tượng áp dụng hợp đồng lao động theo Nghị định 111

Căn cứ Điều 2 của Nghị định này, hợp đồng lao động theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP áp dụng cho các đối tượng sau:

  • Các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
  • Cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội ở các cấp.
  • Đơn vị sự nghiệp công lập.
  • Cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội theo quy định hiện hành.
  • Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy định riêng hoặc theo quyết định của Bộ trưởng.
  • Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự và tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài theo quy định pháp luật.
  • Đơn vị, cơ quan, tổ chức tham gia ký kết hợp đồng dịch vụ hoặc lao động.

2. Các loại hợp đồng lao động và điều kiện ký kết theo Nghị định 111

2.1 Các nhóm công việc hợp đồng lao động Nghị định 111

Các nhóm công việc đối với hợp đồng lao động theo Điều 4, Nghị định 111 được chia thành 03 loại chính:

Nhóm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập:
Bao gồm các công việc như lái xe, bảo vệ (trừ một số trường hợp đặc biệt), lễ tân, tạp vụ, trông giữ xe, bảo trì – vận hành trụ sở và thiết bị, cùng các vị trí hỗ trợ khác không phải là công chức, viên chức theo quy định.

– Nhóm hỗ trợ trong cơ quan hành chính thực hiện chế độ như công chức:
Gồm bảo vệ tại các cơ quan đặc biệt (Văn phòng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, v.v.), lái xe phục vụ lãnh đạo cấp cao hoặc vận chuyển tiền, và các vị trí hỗ trợ khác tại cơ quan trung ương có tính chất cơ mật theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Nhóm chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập:
Là các vị trí chuyên ngành hoặc chuyên môn dùng chung được xác định theo danh mục chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp.

Điều kiện ký hợp đồng lao động công lập

2.2 Điều kiện ký kết hợp đồng theo Nghị định 111

Khoản 2, Điều 5, Nghị định 111/2022/NĐ-CP, các bên tham gia hợp đồng cần đảm bảo điều kiện như sau:

a) Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập

Chỉ ký hợp đồng khi có nhu cầu thực hiện các công việc nêu tại Điều 4 Nghị định này và đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định.

b) Đối với tổ chức cung cấp dịch vụ

Phải đủ điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền lợi và chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động và các quy định liên quan.

c) Đối với cá nhân

Trường hợp cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ cần đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn tại Khoản 1, Điều 8 như sau:

  • Có quốc tịch Việt Nam;
  • Đủ tuổi lao động theo quy định pháp luật;
  • Đủ sức khỏe để đảm nhận công việc;
  • Có lý lịch rõ ràng, được xác minh bởi cơ quan có thẩm quyền;
  • Có năng lực phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng;
  • Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thi hành án, hoặc chịu các biện pháp xử lý hành chính như cải tạo, cai nghiện, giáo dục bắt buộc, hoặc bị cấm hành nghề liên quan đến công việc được giao;
  • Đáp ứng thêm các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên ngành và yêu cầu cụ thể của vị trí do cơ quan tuyển dụng quy định.

Trường hợp cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ thì cần đảm bảo các yêu cầu nêu trên tại Khoản 1, Điều 8, đồng thời đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 10 bao gồm:

  • Đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định pháp luật chuyên ngành.
  • Có trách nhiệm thực hiện công việc theo đúng quy định pháp luật, nội dung hợp đồng và yêu cầu của đơn vị sự nghiệp.
  • Thời gian làm việc theo hợp đồng (không bao gồm thử việc/tập sự) được tính để xếp lương nếu sau này được tuyển dụng làm công chức, viên chức.

3. Nội dung của hợp đồng lao động theo Nghị định 111

Một hợp đồng lao động Nghị định 111 cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

  • Thông tin về người lao động và đơn vị sử dụng lao động.
  • Loại hợp đồng và thời hạn hợp đồng.
  • Chức danh, vị trí công việc và nhiệm vụ cụ thể.
  • Chế độ tiền lương, phụ cấp và các quyền lợi khác.
  • Thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật.
  • Nghĩa vụ của người lao động và quyền hạn của đơn vị sử dụng lao động.
  • Điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động theo Nghị định 111.

Hợp đồng lao động theo Nghị định 111 được hướng dẫn chi tiết bởi Thông tư số 05/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Mẫu hợp đồng lao động đính kèm tại Phụ lục I và II, Thông tư số 05/2023/TT-BNV, tải tại link dưới đây:

Mẫu hợp đồng dịch vụ căn cứ Nghị định 111

Mẫu hợp đồng lao động thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ công

Hợp đồng lao động thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ công

4. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng lao động Nghị định 111

Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng lao động Nghị định 111 được liệt kê tại Khoản 2, Điều 8, Nghị định 111 theo trình tự dưới đây.

4.1 Nghĩa vụ của người lao động trong Nghị định 111

Người lao động tham gia hợp đồng lao động theo Nghị định 111 có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận tuân thủ quy định cũng như chấp hành các quyết định của đơn vị và các cấp có thẩm quyền.

  • Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã cam kết trong hợp đồng lao động và những công việc khác được cơ quan có thẩm quyền phân công.
  • Tuân thủ quy chế, điều lệ, nội quy của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi làm việc.
  • Chấp hành nghiêm các quyết định do cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền ban hành.

4.2 Nghĩa vụ của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

Khi ứng dụng hợp đồng lao động theo Nghị định 111, cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập cần thực hiện 2 nghĩa vụ:

  • Ký kết hợp đồng lao động trong phạm vi số lượng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
  • Đảm bảo chi trả tiền lương và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đã thỏa thuận với người lao động, phù hợp với quy định của pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan.

4.3 Nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ

Nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện của đơn vị cung cấp dịch vụ trong hợp đồng lao động Nghị định 111 như sau:

  • Có đủ điều kiện pháp lý và chuyên môn phù hợp với lĩnh vực cung cấp dịch vụ;
  • Đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp đúng theo hợp đồng.
  • Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các văn bằng, chứng chỉ của người lao động được cung ứng, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định pháp luật chuyên ngành.
  • Cung cấp dịch vụ đúng nội dung, yêu cầu của bên sử dụng và theo các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng.

Việc áp dụng hợp đồng lao động theo Nghị định 111 một cách hợp lý sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển của khu vực công lập, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Bạn có thể tham gia nhiều thông tin bổ ích tại webste: https://bhxh.edu.vn/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*