Hợp đồng vô hiệu khi nào? Những lưu ý khi hợp đồng vô hiệu

Hợp đồng vô hiệu là nguyên nhân khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro khi tiến hành ký giao dịch hợp tác kinh doanh. Vậy, hợp đồng vô hiệu khi nào? Cần lưu ý gì khi hợp đồng vô hiệu? Những thông tin sau sẽ giúp bạn đọc tránh những thiệt hại về tài chính và uy tín.

Tìm hiểu hợp đồng vô hiệu khi nào.

1. Hợp đồng vô hiệu là gì?

Hợp đồng là căn cứ pháp lý cho các giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc các giao dịch kinh tế, hợp tác kinh doanh. Một hợp đồng được coi là vô hiệu khi nó không đáp ứng được các yêu cầu pháp luật hoặc các điều kiện cần thiết để tạo ra một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý. 

Bản chất của hợp đồng là thiết lập các giao dịch. Như vậy, có thể hiểu hợp đồng vô hiệu là hợp đồng đó không có giá trị pháp lý và các bên không bị ràng buộc bởi các điều khoản trong hợp đồng. 

Khi hợp đồng vô hiệu kéo theo hàng loạt các rủi ro cho các chủ thể giao kết hợp đồng. Việc tìm hiểu và nắm rõ các trường hợp hợp đồng vô hiệu giúp tránh các rủi ro trong các giao dịch.

>>> Xem thêm: Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại dễ hiểu nhất.

2. Hợp đồng vô hiệu khi nào?

Tại Điều 122, Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 122. Giao dịch dân sự vô hiệu

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.”

Hợp đồng vô hiệu đồng nghĩa với giao dịch dân sự vô hiệu khi không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 117 của Bộ Luật dân sự gồm:

  • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Ngoài ra, trong trường hợp luật có quy định thì hình thức của giao dịch dân sự cũng là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Ví dụ: 

  • Hợp đồng lao động theo quy định bắt buộc ký dưới hình thức hợp đồng văn bản. Trường hợp hợp đồng miệng sẽ được coi là hợp đồng vô hiệu.
  • Hợp đồng mua bán bất động sản phải được công chứng, trường hợp không được công chứng được coi là hợp đồng vô hiệu.

3. Các trường hợp hợp đồng vô hiệu thường gặp

Có rất nhiều trường hợp dẫn đến hợp đồng vô hiệu mà không phải ai cũng nhận biết được. Nắm rõ, hợp đồng vô hiệu khi nào và các quy định của pháp luật về hợp đồng là yếu tố bắt buộc giúp giao dịch được thuận lợi.

Các trường hợp hợp đồng vô hiệu.

3.1 Căn cứ pháp lý quy định hợp đồng vô hiệu

Tại Khoản 1, Điều 407, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vô hiệu như sau:

“Điều 407. Hợp đồng vô hiệu

1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.”

Quy định trên là căn cứ pháp lý để xác định rõ các trường hợp hợp đồng vô hiệu. 

>>> Xem thêm: Hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ là gì ?

3.2 Các trường hợp hợp đồng vô hiệu thường gặp

Trường hợp hợp đồng vô hiệu thường gặp gồm có:

  • Hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (VD: hợp đồng mua bán nội tạng người, hợp đồng mua bán động vật quý hiếm bị pháp luật cấm).
  • Hợp đồng vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (VD: hợp đồng được ký bởi người mắc bệnh tâm thần, người bị bệnh down). 
  • Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn (VD: hợp đồng mua hàng hóa bị nhầm lẫn tên gọi của hàng hóa).
  • Hợp đồng vô hiệu bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (VD: Bị đe dọa xâm hại đến tính mạng nếu không ký hợp đồng bán nhà).
  • Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (VD: hợp đồng lao động không thành lập văn bản, hợp đồng mua bán đất không có công chứng).
  • Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (VD: ký hợp đồng khi say rượu, khi mắc các bệnh trầm cảm, thần kinh…).
  • Hợp đồng vô hiệu do giả tạo (hợp đồng được lập ra chỉ để che giấu một giao dịch khác hoặc nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ pháp lý. Ví dụ: hợp đồng bảo hiểm giả tạo được lập để lấy tiền bảo hiểm).

4. Lưu ý khi hợp đồng vô hiệu

Khi hợp đồng vô hiệu dẫn đến một số các hệ quả nghiêm trọng. Tuy nhiên để có thể xử lý tốt trường hợp này thì cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Hợp đồng có thể vô hiệu từng phần: hợp đồng vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch.
  • Hợp đồng chính vô hiệu làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
  • Hợp đồng phụ vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.
  • Khi hợp đồng vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
  • Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
  • Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
  • Cá nhân, doanh nghiệp nên áp dụng phần mềm ký hợp đồng điện tử để giảm thiểu rủi ro về tính pháp lý, ký hợp đồng nhanh, thuận tiện.

Thông qua việc hiểu rõ hợp đồng vô hiệu khi nào các cá nhân, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu được nhiều rủi ro trong kinh doanh. Việc xác định một hợp đồng có vô hiệu hay không đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng các quy định của pháp luật và các yếu tố cụ thể của từng trường hợp. Trường hợp chưa xác định được cần tham khảo ý kiến chuyên môn từ người có kinh nghiệm và ý kiến của luật sư.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*