Khái niệm và nguyên tắc bảo đảm thực hiện hợp đồng các bên tham gia cần nắm rõ

Trong bối cảnh hoạt động kinh tế ngày càng phát triển và các giao dịch thương mại trở nên phức tạp, đảm bảo thực hiện hợp đồng đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của các thỏa thuận giữa các bên. Việc hiểu rõ khái niệm và nguyên tắc bảo đảm thực hiện hợp đồng không chỉ giúp các bên tham gia bảo vệ quyền lợi của mình mà còn hạn chế tối đa các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Đảm bảo thực hiện hợp đồng là gì?

1. Sơ lược về đảm bảo thực hiện hợp đồng

1.1 Đảm bảo thực hiện hợp đồng là gì?

Đảm bảo thực hiện hợp đồng là một biện pháp nhằm bảo đảm trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của nhà thầu hoặc nhà đầu tư đối với chủ đầu tư, thường áp dụng trong các hợp đồng xây dựng, đấu thầu hoặc hợp đồng đầu tư.

Theo quy định pháp luật Việt Nam và góc độ của nhà thầu, nhà đầu tư, việc đảm bảo thực hiện hợp đồng có thể được thực hiện thông qua các biện pháp cụ thể như đặt cọc hay nộp thư bảo lãnh…

1.2 Mục đích của việc đảm bảo thực hiện hợp đồng

Có hai mục đích chính của việc đảm bảo thực hiện hợp đồng bao gồm:

  • Đảm bảo quyền lợi của chủ đầu tư hoặc bên giao thầu trong trường hợp nhà thầu hoặc nhà đầu tư không thực hiện đúng hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng.
  • Giảm thiểu rủi ro về việc chậm trễ hoặc vi phạm hợp đồng.

1.3 Ý nghĩa với nhà thầu, nhà đầu tư

Về phía nhà thầu, nhà đầu tư, việc bảo đảm thực hiện hợp đồng mang đến hai ý nghĩa chính gồm:

  • Là cam kết về năng lực tài chính, uy tín, và trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư.
  • Tăng cường tính minh bạch và nghiêm túc trong việc thực hiện hợp đồng.

Một số nguyên tắc bảo đảm thực hiện hợp đồng

2. Nguyên tắc bảo đảm thực hiện hợp đồng

2.1 Nguyên tắc bảo đảm thực hiện hợp đồng dành cho nhà thầu

Theo quy định tại Điều 68, Luật Đấu thầu 2023, trong bảo đảm thực hiện hợp đồng, nhà thầu phải tuân thủ các quy định sau:

a) Về biện pháp

Về trách nhiệm, nhà thầu phải bảo đảm thực hiện hợp đồng thông qua một trong các biện pháp sau:

  • Đặt cọc.
  • Nộp thư bảo lãnh cấp bởi tổ chức tín dụng (thành lập trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo luật pháp Việt Nam).
  • Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (thành lập trong nước hoặc chi nhánh nước ngoài được thành lập theo luật pháp của Việt Nam).

b) Trường hợp ngoại trừ

Những nhà thầu được lựa chọn đều phải áp dụng quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng trừ các trường hợp sau:

  • Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn.
  • Nhà thầu được lựa chọn theo hình thức tham gia (tự thực hiện hoặc tham gia thực hiện của cộng đồng).
  • Gói thầu mà nhà thầu thực hiện nằm trong hạn mức chỉ định thầu theo quy định, cụ thể:
  • Gói thầu dự toán mua sắm có hạn mức từ trên 50 triệu đồng – 100 triệu đồng.
  • Gói thầu trong dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các dự án đầu tư theo Luật đầu tư công, gồm:
  • Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn với hạn mức giá dưới 500 triệu đồng.
  • Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp với hạn mức giá dưới 01 tỷ đồng.

c) Thời điểm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng

Nhà thầu phải thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước hoặc cùng thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Thực hiện khi nào là do nhà thầu chọn lựa.

d) Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng

Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức xác định từ 2% đến 10% giá hợp đồng.

đ) Thời gian hiệu lực của việc bảo đảm thực hiện hợp đồng

Thời gian có hiệu lực của việc bảo đảm thực hiện hợp đồng được tính từ:

  • Từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày các bên tham gia hoàn thành nghĩa vụ trong hợp đồng.
  • Trong trường hợp các bên có thỏa thuận quy định về bảo hành thì thời gian có hiệu lực của việc thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành.

Trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, phải yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

e) Quy định về hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng

Nhà thầu không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

  • Từ chối thực hiện hợp đồng khi hợp đồng đã có hiệu lực;
  • Vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;
  • Thực hiện hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

2.2 Nguyên tắc bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh

Căn cứ Điều 75, Luật Đấu thầu 2023, nguyên tắc đảm bảo thực hiện hợp đồng đối với nhà đầu tư tham gia vào dự án đầu tư kinh doanh như sau:

>>> Xem thêm: hợp đồng điện tử, hợp đồng thương mại là gì.

a) Về biện pháp

Nhà đầu tư phải thực hiện một trong các biện pháp sau đây để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trước hoặc cùng thời điểm hợp đồng có hiệu lực:

a) Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

b) Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

b) Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng

Căn cứ quy mô, tính chất của dự án đầu tư kinh doanh, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu theo mức xác định từ 1% đến 3% tổng vốn đầu tư.

c) Thời gian hiệu lực của việc bảo đảm thực hiện hợp đồng

Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng tính từ ngày hợp đồng được ký chính thức đến ngày chấm dứt hợp đồng. Trường hợp gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư phải gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

d) Quy định về hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng

Nhà đầu tư không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

  • “Từ chối thực hiện hợp đồng khi hợp đồng đã có hiệu lực;
  • Vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;
  • Thực hiện hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của nhà đầu tư nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.”

Tóm lại, đảm bảo thực hiện hợp đồng là một cơ chế cần thiết nhằm duy trì sự cân bằng quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia, đồng thời giảm thiểu nguy cơ vi phạm hợp đồng và các tranh chấp phát sinh. Việc tuân thủ các nguyên tắc pháp lý liên quan không chỉ bảo vệ quyền lợi của mỗi bên mà còn góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh chuyên nghiệp và bền vững. Tham khảo BHXH để biết thêm nhiều thông tin bổ ích nhé.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*