
Nghị định 68 về chữ ký số là một văn bản quan trọng trong việc quản lý và sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ trong các giao dịch điện tử tại Việt Nam. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về Nghị định 68/2024/NĐ-CP về chữ ký số, các quy định nổi bật và những lợi ích mà nó mang lại trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
1. Chữ ký số chuyên dùng công vụ là gì?

Chữ ký số chuyên dùng công vụ được quy định tại Nghị định 68 về chữ ký số.
Căn cứ theo quy định tại Điều 22, Luật Giao dịch điện tử 2023:
Chữ ký điện tử
1. Chữ ký điện tử được phân loại theo phạm vi sử dụng bao gồm:
a) Chữ ký điện tử chuyên dùng là chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ;
b) Chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng;
c) Chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công vụ và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.
…
Theo đó, hiểu đơn giản, chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công vụ và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.
2. Nghị định 68 về chữ ký số chuyên dùng công vụ
Ngày 25/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 68/2024/NĐ-CP quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Nội dung của Nghị định quy định chi tiết về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; việc cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Đối tượng nào áp dụng Nghị định 68 về chữ ký số?
2.1. Đối tượng áp dụng
- Các cơ quan, tổ chức thuộc các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị – xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân và người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
2.2. Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số chuyên dùng
Theo quy định tại Nghị định 68/2024/NĐ-CP, thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số chuyên dùng như sau:
– Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ thời hạn có hiệu lực là 20 năm.
– Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ của thuê bao cấp mới thời hạn có hiệu lực tối đa là 05 năm.
– Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ của thuê bao được gia hạn thời hạn có hiệu lực được gia hạn tối đa là 03 năm.
– Đối với chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ phát hành, kiểm tra hộ chiếu có gắn chíp điện tử, thời hạn hiệu lực của chứng thư chữ ký số theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này.
Đối với chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ phát hành, kiểm tra thẻ căn cước có gắn chíp điện tử, thời hạn hiệu lực của chứng thư chữ ký số theo quy định tại Điều 26 của Nghị định này.
2.3. Các trường hợp thu hồi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ
Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau:
– Đối với mọi loại chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ
+ Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ hết hạn sử dụng;
+ Theo yêu cầu bằng văn bản của thuê bao và có xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp trong các trường hợp: Khóa bí mật bị lộ hoặc nghi bị lộ; thiết bị lưu khóa bí mật bị hỏng, bị thất lạc hoặc các trường hợp mất an toàn khác;
+ Theo yêu cầu bằng văn bản từ cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan công an;
+ Theo yêu cầu bằng văn bản từ cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.
– Đối với chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ của cá nhân
+ Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 68;
+ Cá nhân thay đổi vị trí công tác mà thông tin về vị trí công tác mới không phù hợp với thông tin trong chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ;
+ Cá nhân nghỉ hưu, thôi việc, từ trần.
– Đối với chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ của cơ quan, tổ chức
+ Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 68;
+ Cơ quan, tổ chức giải thể, chia tách, sáp nhập.
– Đối với chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ của thiết bị, dịch vụ, phần mềm
+ Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 68;
+ Thiết bị, dịch vụ, phần mềm ngừng hoạt động.
Như vậy, việc quy định rõ ràng về việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ không chỉ giúp đảm bảo tính hợp pháp, bảo mật cho các giao dịch điện tử mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Hy vọng bài viết do BHXH cung cấp đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Nghị định 68 về chữ ký số và tầm quan trọng của chữ ký số chuyên dùng công vụ trong môi trường công vụ hiện nay.
Để lại một phản hồi