Sở hữu 2 thẻ bảo hiểm y tế có đúng quy định, chế độ khi khám chữa bệnh

Sở hữu 2 thẻ bảo hiểm y tế có đúng quy định

Thẻ Bảo hiểm y tế được cấp phát khi người dân tham gia đóng Bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là căn cứ để người bệnh được thanh toán theo mức hưởng ký hiệu trên thẻ. Vậy trong trường hợp người dân có sở hữu 2 thẻ bảo hiểm y tế có đúng quy định và chế độ người dân được hưởng khi đi khám chữa bệnh BHYT. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Người dân sở hữu 2 thẻ BHYT có đúng quy định?

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật bảo hiểm y tế 2008. Theo đó,

Mỗi người chỉ được cấp và sở hữu một thẻ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn xảy ra trường hợp một người có đến hai thẻ BHYT.

Nguyên nhân là do người tham gia BHYT thuộc nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Ví dụ người dân khi chưa đi làm thì tham gia BHYT tự nguyện (theo hộ gia đình) nhưng sau đó lại đi làm tại doanh nghiệp và được đóng BHYT bắt buộc theo quy định nên người đó có thể sở hữu 2 thẻ BHYT.

Xem thêm >> Đăng ký bảo hiểm y tế tự nguyện và những lưu ý cần thiết

Có 2 thẻ BHYT thì được thanh toán chi phí khám chữa bệnh thế nào?

Mỗi người chỉ được sở hữu 1 thẻ BHYT duy nhất

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi 2014 đã quy định về mức hưởng BHYT của người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT như sau:

“Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.

Như vậy, Người dân khi sở hữu từ 2 thẻ BHYT khi khám chữa bệnh BHYT sẽ được hưởng mức chi trả cao nhất theo nhóm đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Mức hưởng BHYT năm 2021

Căn cứ Quy định tại điều 22, luật bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi năm 2014 về mức hưởng bảo hiểm y tế theo các nhóm đối tượng hưởng quyền lợi như sau:

Khám chữa bệnh đúng tuyến

  • 100% chi phí khám chữa bệnh: Bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở…
  • 95% chi phí khám chữa bệnh: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…
  • 80% chi phí khám chữa bệnh: Đối tượng khác.

Khám chữa bệnh trái tuyến

Được thanh toán theo mức hưởng đúng tuyến với tỷ lệ:

  • Bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;
  • Bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước;
  • Bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám chữa bệnh.
Mẫu thẻ BHYT mới từ 1/4/2021

Tham khảo >> Chi tiết những thay đổi mới trên thẻ BHYT từ ngày 1/4/2021

Có 2 thẻ thì đóng BHYT như thế nào?

Trường hợp người tham gia BHYT đồng thời thuộc nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2014. Người dân tham gia BHYT theo thứ tự nhóm:

  1. Do người lao động và người sử dụng lao động đóng;
  2. Do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng;
  3. Do ngân sách nhà nước đóng;
  4. Được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng;
  5. Tham gia theo hộ gia đình.

Cần làm gì khi sở hữu 2 thẻ bảo hiểm y tế?

Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 20 Luật BHYT mới nhất, trường hợp cấp trùng thẻ BHYT sẽ bị thu hồi.

Người dân khi sở hữu 2 thẻ bảo hiểm y tế cần trả lại thẻ BHYT do đóng trùng và làm thủ tục chuyển đổi mức hưởng BHYT để được ghi nhận mức hưởng cao nhất trên thẻ.

Chú ý: Khi trả lại thẻ do đóng trùng, người dân có thể được hoàn lại tiền BHYT đã đóng.

Cụ thể theo Điều 20 Quyết định 595/BHXH, người dân tham gia BHYT nếu thuộc các đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoặc tham gia theo BHYT hộ gia đình sẽ được hoàn trả tiền đóng BHYT nếu:

  • Người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó;
  • Được ngân sách Nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT;
  • Bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng.

Kết luận

Như vậy theo quy định của pháp luật thì mỗi người dân khi tham gia đóng BHYT thì chỉ được sở hữu 1 thẻ BHYT duy nhất. Trong trường hợp người dân sở hữu từ 2 thẻ BHYT người tham gia có thể trả lại thẻ và có thể được nhận lại số tiền đã đóng BHYT như đã được chia sẻ trong bài viết.

Hy vọng rằng với những chia sẻ trong bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích nhất. Hãy để lại ý kiến dưới bài viết này nếu bạn đọc có những thắc mắc cần được giải đáp. BHXH luôn sẵn sàng hỗ trợ.

TIN LIÊN QUAN

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*